Nhiều người nghĩ rằng tinh dầu sả chanh là tinh dầu của sả và chanh trộn lại, thật ra không phải như vậy. Tinh dầu sả chanh là tinh dầu được chiết xuất từ thân và lá của cây sả chanh. Cây này có tên khoa học là Cymbopogon citratus, hay còn gọi là cây mao hương (1).
Vì vậy, khi mua tinh dầu sả chanh thì bạn cần chú ý tên gọi và thành phần của nó nhé. Trên thị trường, có khi người ta cũng kết hợp tinh dầu chanh và tinh dầu sả để cho ra loại tinh dầu hỗn hợp thơm đậm mùi chanh hơn.
Còn tinh dầu sả chanh, theo cảm nhận cá nhân của mình thì nó thơm đậm mùi sả hơn và mùi chanh rất nhẹ. Khi ngửi qua, bạn sẽ có cảm giác như bạn đang ngửi phần gốc cây sả vậy!
Công dụng của cây sả chanh
Theo y học cổ truyền thì cây sả chanh có vị ngọt, tính ấm và có hương thơm giúp xua đuổi côn trùng.
Ở dạng thuốc sắc, toàn cây sả chanh được biết đến với các công dụng như:
- Khư phong, tán hàn.
- Thúc đổ mồ hôi, tiêu thũng.
- Điều trị buồn nôn, đau bụng, đau dạ dày (do lạnh).
- Điều trị cảm lạnh, tiêu chảy.
- Điều trị phong thấp tê đau.
- Làm thông kinh lạc.
- Giúp giảm ho.
- Điều trị cước khí.
- Điều trị kinh nguyệt không đều.
Về cách dùng : Mỗi ngày dùng từ 10 -15g sả ( dùng tươi)
Ngoài ra, khi bị đòn ngã làm tổn thương, tụ máu bầm thì dân gian cũng dùng sả chanh: lấy 30 – 45 g toàn cây tươi, rửa sạch ra, giã cho hơi nát rồi nấu lấy nước, khi thấy nước sôi thì tắt bếp và đợi nước nguội thì đổ ra. Sau đó, ta cho thêm chút rượu vào và uống trong ngày
Tinh dầu sả chanh có tác dụng gì?
Cây sả chanh chứa 1 – 2 % tinh dầu màu vàng nhạt và có thành phần chủ yếu là geraniol, citral…
Vì vậy, người ta chiết xuất tinh dầu từ cây sả chanh để phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau.
Được biết, danh y Tuệ Tĩnh đã nhận xét về cây sả chanh như sau: “bạt hôi thối, trừ tà khí…”.
Còn trong công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam thì nhà nghiên cứu Võ Văn Chi khẳng định: tinh dầu sả chanh có tác dụng khử mùi hôi tanh và giúp xua ruồi muỗi
Bên cạnh đó, tinh dầu sả chanh còn mang lại nhiều lợi ích như:
- Giúp diệt khuẩn: Được biết, tinh dầu sả chanh có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn cao. Vì vậy, mùi hương của nó không chỉ giúp làm sạch không khí, giảm nguy cơ nhiễm bệnh mà còn giúp khử mùi (do vi khuẩn gây ra). Cách dùng: dùng máy xông tinh dầu (hoặc pha loãng, xịt vào góc nhà…).
- Giúp thư giãn tinh thần, tỉnh táo đầu óc: Mùi thơm quen thuộc của tinh dầu sả chanh sẽ giúp bạn thư giãn sau những phút làm việc căng thẳng. Không chỉ thế, hương chanh nhẹ dịu của nó còn giúp bạn tỉnh táo hơn, bớt buồn ngủ trong những lúc làm việc liên tục. Có thể nói, đây là loại tinh dầu phù hợp với cả những người khó tính vì mùi sả là mùi hương bình dân, gần gũi, hấp dẫn. Cách dùng: dùng tay chấm nhẹ lên rồi thỉnh thoảng ngửi (nếu muốn thoa lên da hay quần áo thì bạn cần pha loãng).
- Giúp giảm côn trùng: Tinh dầu sả chanh không trực tiếp giết chết côn trùng mà sẽ xua đuổi chúng. Bởi lẽ, hầu hết các loại muỗi và côn trùng như ruồi, nhặng… đều không thích tinh dầu thơm. Vì vậy, thỉnh thoảng, bạn có thể dùng máy khuếch tán tinh dầu để làm sạch căn nhà và xua đuổi côn trùng nhé! (Vì là tinh dầu tự nhiên nên hiệu quả của tinh dầu sả chanh cũng không cao, tuy nhiên, nó lại an toàn hơn nhiều loại thuốc diệt côn trùng hiện nay).
- Sát trùng và làm lành vết bầm tím: Với những vết thương ngoài da, dạng nhẹ, gây sưng bầm thì bạn có thể dùng tinh dầu sả chanh pha loãng với nước ấm rồi rửa. Nó sẽ giúp bề mặt vết thương sạch hơn và mau hết bầm tím. Tuy nhiên, nếu bạn bị té ngã, tụ máu bầm bên trong (cảm thấy nhức, lói, nhói, khó thở… thì cần đến tiệm thuốc Bắc mua Trật đả hoàn để uống cho tan máu bầm bên trong nhé!).
- Dưỡng tóc: Nếu bạn muốn tóc sạch, thơm và bóng khỏe hơn thì bạn có thể cho thêm 2 – 3 giọt tinh dầu sả chanh vào dầu gội, sau đó gội đầu như thường lệ (gội và để 5 – 10 phút mới xả, bạn nhé). Mỗi tuần, bạn chỉ cần gội như thế 2 lần là được (những ngày còn lại, nếu có gội đầu thì dùng gội dầu gội thông thường – tốt nhất là dùng dầu gội thảo dược
Lưu ý khi dùng
- Phụ nữ mang thai không được dùng.
- Không thoa, xịt trực tiếp vào da (vì tinh dầu nguyên chất sẽ gây nóng, bỏng, rát da…).
- Không để tinh dầu bay vào mắt, miệng, thức ăn…
Đọc thêm các bài khác tại đây