Nhai lá trà xanh, bạc hà, mùi tây, đinh hương sau ăn hay dùng trà từ các loại thảo dược này để nước súc miệng có thể giảm mùi hôi thở.
Hôi miệng rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Hôi miệng dai dẳng thường do vi khuẩn xấu phát triển trong miệng. Chúng phân hủy đường và tinh bột từ thực phẩm ăn vào. Đôi khi, hơi thở nặng mùi có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn như bệnh nướu răng, sâu răng hay bệnh lý ở dạ dày. Dùng một số loại thảo mộc quen thuộc dưới đây có tác dụng giảm hôi miệng.
Lá trà xanh giảm mùi hơi thở
Lá trà xanh giàu chất chống oxy hóa, điển hình là epigallocatechin-3-gallate (EGCG), có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm mùi hơi thở. EGCG kháng khuẩn bằng cách kích hoạt các tế bào trong nướu giải phóng chất hóa học tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nướu răng và chứng hôi miệng. Ngoài uống trà xanh, nhai một vài lá trà tươi sau bữa ăn cũng loại bỏ mùi hôi.
Bạc hà
Các hợp chất kháng khuẩn trong lá bạc hà có thể giảm mùi hôi tạm thời và số lượng vi khuẩn xấu trong miệng. Pha một thìa nước ép lá bạc hà vào nước ấm để dùng hoặc nhai vài lá bạc hà tươi sau bữa ăn để hơi thở thơm mát hơn. Kẹo cao su hay kẹo bạc hà thơm cũng có tác dụng giảm mùi hơi thở.
Quế
Dầu quế có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ đối với s.moorei – loại vi khuẩn gây mùi hôi. Nó cũng làm giảm mức độ các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi gọi là VSC (volatile sulfur compounds), gây mùi chua đặc trưng. Pha loãng dầu quế với nước và dùng súc miệng mỗi ngày có thể kiểm soát chứng hôi miệng.
Đinh hương
Đinh hương có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên giúp làm sạch miệng, mang lại hơi thở thơm mát. Phương pháp đơn giản nhất là cho vài miếng đinh hương vào miệng và nhai kỹ để giảm mùi hơi thở trong vài phút. Pha trà đinh hương bằng cách đun sôi một cốc nước, thêm một thìa cà phê đinh hương xay, đun nhỏ lửa trong 5-10 phút. Uống trà hoặc sử dụng như nước súc miệng hai lần một ngày.
Mùi tây
Mùi tây chứa chất diệp lục giúp trung hòa mùi hôi bên trong miệng. Nhai một nhánh mùi tây tươi để hơi thở luôn thơm tho. Bạn cũng có thể nhúng loại thảo mộc này vào giấm rồi nhai kỹ. Một lựa chọn khác là ép lá mùi tây và dùng bất cứ lúc nào cảm thấy hơi thở nặng mùi.
Cây trà
Dầu cây trà có đặc tính sát trùng, hoạt động giống như chất khử trùng mạnh mẽ trong miệng. Có nhiều cách để tận dụng lợi ích từ cây trà như dùng kem đánh răng chứa dầu cây trà, nhỏ một vài giọt dầu lên bàn chải đánh răng cùng với kem đánh răng thông thường. Trộn dầu cây trà cùng dầu bạc hà vào một cốc nước dùng súc miệng hàng ngày cũng có ích.
Cỏ cà ri
Trà cỏ cà ri có tác dụng trong trường hợp hôi miệng do nhiễm trùng catarrhal – loại vi khuẩn gây viêm nhiễm đường hô hấp. Đun sôi một thìa cà phê hạt cỏ cà ri trong một cốc nước. Lọc và uống trà này mỗi ngày một lần cho đến khi hơi thở nặng mùi được cải thiện.